• Trang Nhà
    • Giới Thiệu Hội Thánh
    • Mục Đích và Tổ Chức
    • Đức Tin và Thông Điệp
  • Thờ Phượng
    • Giảng Luận Kinh Thánh
    • Thánh Ca Tôn Vinh
  • Học Kinh Thánh
    • Cầu Nguyện Tin Chúa
    • Học Kinh Thánh Nhóm Nhỏ
    • Ban Phụ Nữ
    • Sinh Hoạt
  • Trường Chúa Nhật
  • ESL
    • Đăng Ký ESL
  • Liên lạc
    • Góp Ý - Cầu Thay
    • Đăng Ký Nhận Bản Tin

Đối Diện Với Sự Bất Công

11/25/2014

0 Comments

 
Picture
Hôm qua đại bồi thẩm đoàn tại Ferguson, tiểu bang Missouri tìm thấy không có đủ chứng  cớ để truy tố người cảnh sát da trắng về việc bắn chết một thanh niên da đen hơn ba tháng trước. Điều này làm người da đen phẫn nộ và biểu tình phản đối trong nhiều thành phố trên nước Mỹ. Họ cho rằng cảnh sát chỉ lo bảo vệ tài sản cho người giầu có mà coi thường mạng sống người da mầu nghèo khó. Không biết có phải quan niệm như thế hay không mà cậu thanh niên bị bắn chết đã ngang nhiên vào tiệm cướp gói thuốc xì-gà, hành hung người bán hàng, rồi sau đó hành hung cả người cảnh sát để bị bắn chết. Rồi tối hôm qua, người biểu tình tại Ferguson đã đập phá, cướp hàng, và đốt cháy nhiều cơ sở thương mại. Bức hình trên đây là gạch vụn của một cửa tiệm bán mỹ phẩm (Feel Beauty Supply) sau đêm biểu tình.

Bất công xã hội chắc chắn đã xảy ra. Những bất công này khiến những người có lương tâm phải phẫn nộ. Tuy nhiên cách phản ứng trong khi phẫn nộ khác nhau tùy theo lương tâm của con người. Vì lương tâm chính là luật pháp mà Đức Chúa Trời đã đặt trong lòng tất cả mọi người. Rô-ma 2:15 nói, “Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.” Câu này nói rằng những người có lương tâm thì thường tôn trọng luật pháp, còn những người chỉ biết noi theo ý tưởng của riêng mình sẽ dễ dàng làm điều trái phép.

Thêm vào đó, Kinh Thánh cũng dậy rằng Cơ-đốc nhân chớ nên để cơn giận gây cho mình phạm tội, và nhất là chớ giữ cơn giận quá lâu trong lòng, phải nguôi cơn giận mình trước khi mặt trời lặn (Ê-phê-sô 4:26). Cơ-đốc nhân tạ ơn Chúa vì Ngài đặt Lời Chúa trong lòng để làm ngọn đèn soi đường cho chúng ta noi theo.

Tối nay trước khi đi ngủ, tôi đề nghị bạn đọc và suy gẫm những câu Kinh Thánh bên trên và cầu nguyện cho gia đình Michael Brown, người bị bắn chết; cảnh sát Darren Wilson; dân chúng Ferguson; chính quyền và những người có cửa hàng nơi đó. Xin Chúa phấn hưng hội thánh Ngài để thêm nhiều người biết có Chúa, biết vâng theo luật pháp của Ngài, để xã hội ngày một ít bất công hơn.

Trong mùa lễ Tạ Ơn, tôi cầu mong Chúa thăm viếng bạn và gia đình cách đặc biệt, thêm ơn lành rời rộng cho mọi người, và cho mọi người có nhiều cơ hội chia sẻ ơn đó cho những người lân cận.
  

Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,
Mục sư Bùi Thế Hiền


0 Comments

Sức Mạnh Của Sự Tha Thứ

11/18/2014

0 Comments

 
Picture
Mấy tuần trước, trong khi tìm kiếm tài liệu cho bài giảng ngày Lễ Tạ Ơn, tôi đọc được một bài viết về tâm trạng của một tín nhân sau một cơn thảm họa. Thật ra thảm họa không trực tiếp xảy ra cho cô, nhưng cho chồng cô, người đã xông vào một trường học của người Amish trên Lancaster, Pennsylvania vào đầu tháng 10, 2006. Ông này sau khi bắn chết 5 cô học sinh và gây thương tích cho 5 cô khác, đã tự kết liễu đời mình, để lại sự khủng hoảng cho vợ và ba con, hai trai một gái. Điều làm tôi xúc động nhất là trong ngày tang lễ của người chồng sát nhân đó, đông đảo Cơ-đốc nhân trong vùng, và nhất là những gia đình người Amish, kể cả những người có con bị hại, cũng đến đưa đám và an ủi người góa phụ kia. Quý vị nào muốn đọc xin vào đây: http://religion.blogs.cnn.com/2013/09/29/from-grief-to-grace-widow-of-amish-schoolhouse-shooter-breaks-her-silence/

Picture
Một vài câu hỏi nẩy ra trong đầu tôi. Vì sao người Amish có thể sớm bỏ được hận thù để bày tỏ lòng yêu thương với gia đình người đã sát hại con cái mình như vậy? Nếu chúng ta ở trong trường hợp đó thì mình sẽ cư xử ra sao? Người Mỹ sẽ có những hành động gì đối với việc công dân họ bị ISIS chặt đầu bên Syria, hay bị người Palestine đâm chết bên Do-thái mấy hôm nay? Riêng bạn thì nghĩ như thế nào?

Chúa Jêsus nói một câu bất hủ trên thập tự giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Có thể câu nói đó của Chúa Jêsus chủ động lòng người Amish, những người có tiếng là ngoan đạo. Họ thường cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi cho họ, và xin Ngài cho họ có khả năng để tha thứ những kẻ phạm tội nghịch cùng họ (Ma-thi-ơ 6:12).

Những người như thế thật sự là những người có lòng biết ơn chân thành. Họ biết ơn Chúa đã ban cho họ không xiết kể, và họ tạ ơn Chúa bằng cách bày tỏ tình yêu thương tha thứ của Chúa với kẻ đối lập mình. Một cách bày tỏ lòng biết ơn tuyệt vời, hơn cả những lời “chân thành cảm tạ” hay những ánh mắt tràn đầy lòng thầm kín biết ơn mà chúng ta thường bày tỏ cho nhau.

Nguyện xin Chúa mở cửa để bạn cũng có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn Chúa như thế trong dịp Lễ Tạ Ơn năm nay.

Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,
Mục sư Bùi Thế Hiền
0 Comments

Sự Vấp Phạm và Lòng Khoan Dung

11/12/2014

0 Comments

 
Picture

Cơ-đốc nhân chúng ta có những hiểu biết và cách áp dụng Lời Chúa khác nhau. Đôi khi những khác biệt này là nguồn gốc của lời phê phán, đàm tiếu hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Khi có những khác biệt, Rô-ma đoạn 14 hướng dẫn chúng ta cách cư xử phải lẽ và chính đáng. Nếu chỉ khuyến khích suông mọi người đọc đoạn này, thì rất có thể có người dễ quên và không làm theo, nên xin chép lại Lời Kinh Thánh nguyên đoạn Rô-ma 14 dưới đây.  Xin bạn cầu nguyện nài xin Đức Thánh Linh thêm sức để vượt qua được những sơ sót.


Rô-ma 14

Sự khoan dung đối với kẻ kém đức tin

Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẩy về sự nghi ngờ. Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi. Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người. Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; - song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng. - Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.

Vả, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả. Đấng Christ đã chết và sống lại, ấy là để làm Chúa kẻ chết và kẻ sống. Nhưng ngươi, sao xét đoán anh em mình? Còn ngươi, sao khinh dể anh em mình? Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời. Bởi có chép rằng: “Chúa phán: Thật như ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quì trước mặt ta, Và mọi lưỡi sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời.” Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời.

Chớ xui ai vấp phạm

Vậy chúng ta chớ xét đoán nhau; nhưng thà nhứt định đừng để hòn đá vấp chân trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa ngã. Tôi biết và tin chắc trong Đức Chúa Jêsus rằng, chẳng có vật gì vốn là dơ dáy; chỉn có ai tưởng vật nào là dơ dáy, thì nó là dơ dáy cho người ấy mà thôi. Vả, nếu vì một thức ăn, ngươi làm cho anh em mình lo buồn, thì ngươi chẳng còn cư xử theo đức yêu thương nữa. Chớ nhân thức ăn làm hư mất người mà Đấng Christ đã chịu chết cho. Vậy chớ để sự lành mình trở nên cớ gièm chê. Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy. Ai dùng cách ấy mà hầu việc Đấng Christ, thì đẹp lòng Đức Chúa Trời và được người ta khen. Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.

Chớ vì một thức ăn mà hủy hoại việc Đức Chúa Trời. Thật mọi vật là thanh sạch; nhưng ăn lấy mà làm dịp cho kẻ khác vấp phạm, thì là ác. Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu, và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình. Ngươi có đức tin chừng nào, hãy vì chính mình ngươi mà giữ lấy trước mặt Đức Chúa Trời. Phước thay cho kẻ không định tội cho mình trong sự mình đã ưng! Nhưng ai có lòng nghi ngại về thức ăn nào, thì bị định tội rồi, vì chẳng bởi đức tin mà làm; vả, phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi.

 

Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,
Mục sư Bùi Thế Hiền

0 Comments

Phép Báp-têm

11/5/2014

0 Comments

 
Picture
Mời bạn đọc bài viết về phép Báp-têm trong trang Web của Vietchristian.com dưới đây. Bài này dựa theo đoạn Kinh Thánh trong Lu-ca 3:15-22
http://www.vietchristian.com/bhkt/reader.asp?vcid=1,4232

"Phần ta làm phép báp-têm cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa." (Lu-ca 3:16).

Câu hỏi suy gẫm: Phép báp-têm của Giăng có ý nghĩa gì? Tại sao Chúa Giê-xu chịu báp-têm? Thế nào là báp-têm bằng Thánh Linh? Những báp-têm được nói đến trong phân đoạn này có ý nghĩa gì đối với bạn?

Trong Hội Thánh đầu tiên, những người mới tin Chúa khi chịu báp-têm họ được dìm xuống nước ba lần để bày tỏ niềm tin vào Ba Ngôi Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Trong phân đoạn này cũng nói đến ba thứ báp-têm, cả ba đều có tác động đến mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời.

Trước hết, báp-têm của Chúa Giê-xu là gương mẫu cho chúng ta. Là môn đồ của Chúa, chúng ta theo Chúa từng bước. Khi Giăng từ chối không chịu làm báp-têm cho Chúa Giê-xu thì Ngài bảo, "Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy" (Ma-thi-ơ 3:15). Khi chịu báp-têm, Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta thấy đây là việc làm đúng và cần thiết. Tuy là Con Đức Chúa Trời, vô tội không cần phải ăn năn nhưng Chúa Giê-xu muốn làm gương cho chúng ta. Nếu chúng ta không theo gương Chúa trong bước đầu tiên này làm sao chúng ta có thể theo Chúa trong những bước tiếp theo?

Thứ hai, báp têm bằng nước là lời chứng của chúng ta. Khi chịu báp-têm, Chúa Giê-xu công khai đồng hóa mình với những người Ngài đến để tìm và cứu. Phép báp-têm là chứng cớ bên ngoài bày tỏ tấm lòng cam kết bên trong. Báp-têm là lời chứng về đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Giê-xu là Đấng đã chết và sống lại. Với phép báp-têm, chúng ta công khai tuyên bố Chúa Giê-xu làm chủ đời sống mình. (Rô-ma 6:4).

Thứ ba, báp-têm bằng Thánh Linh là năng lực của chúng ta. Giăng tuyên bố, "Ngài sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa" (c.16). Báp-têm bằng Thánh Linh xảy ra khi chúng ta trở lại tin Chúa (I Cô-rinh-tô 6:11; Tít 3:5). Tuy nhiên chúng ta phải tiếp tục đầu phục để được đầy dẫy Thánh Linh (Ê-phê-sô 5:18). Thánh Linh rửa sạch và làm tươi mới đời sống chúng ta. Giống như lửa, Ngài sẽ tinh luyện, thánh hóa chúng ta. Thánh Linh cũng sẽ ban cho chúng ta năng lực để sống đời sống Cơ Đốc.

Đối với chúng ta, cả ba báp-têm đều quan trọng. Noi gương Chúa Giê-xu, chúng ta làm báp-têm bằng nước như là dấu hiệu sự ăn năn, tha tội, chết đi bản tính cũ và sống đời sống mới trong Ngài. Khi tin Chúa, không những chúng ta được báp-têm bằng Thánh Linh nhưng chúng ta cũng hãy khao khát đầy dẫy Thánh Linh để được quyền năng sống xứng đáng là con cái Ngài.

Xin Chúa giúp chúng ta càng đầu phục Ngài để càng được đầy dẫy Thánh Linh và sống một đời sống đắc thắng.
 

Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,
Mục sư Bùi Thế Hiền


0 Comments

    Archives

    August 2015
    July 2015
    June 2015
    May 2015
    April 2015
    March 2015
    February 2015
    January 2015
    December 2014
    November 2014
    October 2014
    September 2014
    August 2014
    July 2014
    June 2014
    May 2014
    April 2014
    March 2014
    February 2014

    RSS Feed

Powered by Create your own unique website with customizable templates.