• Trang Nhà
    • Giới Thiệu Hội Thánh
    • Mục Đích và Tổ Chức
    • Đức Tin và Thông Điệp
  • Thờ Phượng
    • Giảng Luận Kinh Thánh
    • Thánh Ca Tôn Vinh
  • Học Kinh Thánh
    • Cầu Nguyện Tin Chúa
    • Học Kinh Thánh Nhóm Nhỏ
  • Trường Chúa Nhật
  • Sinh Hoạt
    • Ban Phụ Nữ
  • ESL
    • Đăng Ký ESL
  • Liên lạc
    • Góp Ý - Cầu Thay
    • Đăng Ký Nhận Bản Tin

Hạt Giống Tin Lành

4/29/2015

0 Comments

 
Picture
Ngày nay với máy tính người ta có thể nghiên cứu để tìm cách thức làm việc cho có nhiều hiệu quả. Các xe hơi được chế tạo sao cho chạy càng xa với cùng một số nhiên liệu càng tốt. Bóng đèn điện cũng được đổi mới để vừa sáng vừa tốn ít điện. Nhiều phòng tắm công cộng hiện nay được trang bị để khi có người vào thì đèn mới sáng lên, khi đưa tay dưới vòi thì nước mới chảy ra. Họ làm được thế vì có đầy đủ dữ kiện để tính toán. Hay nói cách khác, nhờ sự hiểu biết, người ta có thể tính toán được chính xác.

Sự thật là, nếu không có sự hiểu biết thì không thể chọn lựa đúng được. Nhiều người áp dụng lời dạy dỗ của Chúa Jêsus mà không thấy hiệu quả, chính vì sự hiểu biết của họ thiếu chính xác. Lu-ca đoạn 8 ghi lại câu chuyện Chúa Jêsus nói về người gieo giống xuống bốn loại đất. Các hạt giống rơi vào đường đi, gai góc, hay sỏi đá đều không sống sót hoặc mang kết quả. Chỉ có những hạt rơi vào đất mầu mới có kết quả mà thôi. Thành ra có người nói rằng chỉ nên chọn những người có triển vọng tin Chúa để làm chứng cho họ, còn những người khác không nên mất thì giờ, tài nguyên với họ cách vô ích.

Sự sai lầm của những người này là chính họ không thể biết chắc chắn người nào thuộc loại đất mầu. Người Việt Nam biết như thế nên hay nói, “Coi vậy mà không phải vậy.” Chỉ có Chúa mới biết rõ ai là người như thế nào, còn chúng ta không thể biết đúng được. Không biết đúng thì không thể làm đúng. Cho nên để áp dụng lời Chúa Jêsus trong Lu-ca, chúng ta phải làm chứng cho tất cả mọi người. Truyền Đạo 11:6 nói thật chí lý: “Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống nầy, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đều sẽ ra tốt.”

Có bao giờ bạn nhanh nhẩu quyết định điều gì khi chưa đủ chi tiết để biết chính xác hay không? Nếu có, và thiếu thành công, xin tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Chúa trong những quyết định về sau.

Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,
Mục sư Bùi Thế Hiền


0 Comments

Việc Lạ Lùng

4/21/2015

0 Comments

 
Kinh Thánh xác định Chúa từ xưa đến nay và cho đến đời đời không hề thay đổi (Hê-bơ-rơ 13:8). Câu này muốn nói bản chất của Chúa, ý định, và lời hứa của Ngài không bao giờ đổi thay. Vì thế, nhân loại mới có thể dựa và Lời Chúa trong Kinh Thánh để học hỏi về Chúa và tìm cách sống sao cho đẹp lòng Ngài. Tuy ý định Chúa không thay đổi, nhưng cách Ngài thực hiện ý định đó khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh và trạng thái của loài người. Hoàn cảnh và trạng thái của người ta lắm khi lại tùy thuộc vào thời đại. Vào thời Nô-ê, Chúa dùng cơn Đại Hồng Thủy để xây dựng lại loài người. Đến thời đại Cựu Ước, Chúa dùng dân Y-sơ-ra-ên để bày tỏ luật pháp Chúa ra. Và qua thời Tân Ước, Chúa dùng Đức Chúa Jêsus để tỏ bày sự cứu chuộc loài người trong tình yêu thương vô tận.

Dựa vào đó, chúng ta có thể hiểu được vì sao thời Chúa Jêsus và Hội Thánh đầu tiên có nhiều phép lạ xảy ra, và càng về gần đến thời kỳ hiện đại, phép lạ càng ngày càng ít đi. Thời đó, sự hiểu biết của loài người về khoa học bị giới hạn, và người ta dễ tin vào những gì siêu nhiên. Do đó, Chúa dùng những sự việc siêu nhiên để tỏ bày quyền năng Thánh Linh qua các phép lạ Chúa Jêsus và các sứ đồ của Ngài thực hiện. Ngày nay, phép lạ không còn là động lực chính khiến người ta tin tưởng và trung tín làm theo Lời Chúa, mà là ảnh hưởng của Lời Chúa tác động trên mỗi người để thay đổi đời sống họ mới là những bằng chứng cụ thể và mạnh mẽ hơn.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy khuynh hướng này qua sách Công Vụ Các Sứ Đồ và các Thư Tín. Trong 10 đoạn đầu tiên, sách Công Vụ ghi lại nhiều việc lạ lùng. Rồi sau đó các phép lạ thưa thớt đi. Để xây dựng hội Thánh Chúa khắp nơi, Chúa bắt đầu dùng lời lẽ trong các Thư Tín để dạy dỗ, xây dựng, và khuyến khích các tín đồ phương cách sống để phát triển đức tin.

Nói như thế không có nghĩa là ngày nay Chúa không còn cho phép lạ xảy ra nữa. Mỗi khi Ngài thay đổi đường lối đã dự định từ trước để đáp ứng lời cầu nguyện của con dân Chúa là lúc phép lạ xảy ra. Chính vì thế, Kinh Thánh mới khuyên chúng ta nên tha thiết cầu nguyện cho nhau để ý Chúa được nên theo cách thức và thời điểm chúng ta ao ước.

Bạn có điều gì tha thiết muốn Chúa cho thực hiện hay không? Xin cứ bền bỉ cầu nguyện với Ngài và nhờ các anh chị em trong Chúa cầu thay cho. Thế nào Chúa cũng cho được toại nguyện, có khi nhiều hơn hoặc tốt hơn điều cầu xin nữa.

Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,
Mục sư Bùi Thế Hiền
0 Comments

Sống Đẹp Lòng Đức Chúa Trời

4/15/2015

0 Comments

 
Tuần trước www.DailyMail.co.uk đăng một bài nói rằng đa số phụ nữ trên thế giới không nghĩ mình đẹp mà chỉ cho rằng mình bình thường. Họ dựa vào một cuộc điều nghiên của công ty Dove, một hãng sản xuất sà-bông, và các sản phẩm tương tự. Để làm cuộc điều nghiên này, họ dựng lên hai cái cổng đi vào. Một cổng để người nghĩ mình đẹp bước qua, còn cổng kia thì dành cho người nghĩ mình bình thường. Kết quả là hơn 96% phụ nữ bước vào bằng cổng bình thường. Xin bấm vào đây để đọc bài viết.

Không hiểu tại vì quý phụ nữ trên thế giới khiêm nhường, hay không biết hoặc không dám tự nhận là mình đẹp. Thêm vào đó, câu hỏi của Dove không ghi rõ nét đẹp bề ngoài hay bề trong. Một phụ nữ ở Thượng Hải bước vào bằng cổng bình thường. Người này tuyên bố, “Đẹp, đối với tôi, quá xa vời.” Trong khi đó, nhiều phụ nữ sau khi xem bản tin thì có vẻ buồn. Có người nói, “Tôi chọn đẹp, vì nếu tôi không nghĩ thế, không ai khác nghĩ về tôi như thế.”

Cơ-đốc nhân chúng ta có tự nghĩ là mình đẹp hay không? Kinh Thánh nói, rằng những gì Đức Chúa Trời tạo ra đều tốt đẹp. Khi tạo dựng ra loài người, Đức Chúa Trời nghỉ tay và khen đó là việc tốt lành. Có điều nét đẹp Cơ-đốc khác với nét đẹp thế gian, vì nét đẹp Cơ-đốc đến từ bên trong. 1 Phi-e-rơ 3:3-4 khuyên quý bà quý cô rằng: “Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời.”

Tâm lý thông thường là người ta sẽ cố gắng gìn giữ những gì họ cho là quý giá. Vì thế, nếu tự nghĩ là đẹp, người ta sẽ cố gắng giữ mình; bằng không, họ sẽ buông thả với những lôi cuốn của dòng đời. Điều này áp dụng cho tất cả những gì tạo nên nét đẹp của một người; kể cả nhan sắc bề ngoài lẫn giá trị bên trong.

Bạn nghĩ thế nào về mình? Khi Chúa dựng lên hai cái cổng, đẹp và bình thường, thì bạn sẽ bước qua bằng cổng nào? Nguyện xin Chúa soi sáng để tất cả chúng ta biết mình đẹp, và luôn luôn cố gắng sống đẹp lòng Đức Chúa Trời chứ không tìm mọi cách sống đẹp lòng người ta.


Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,
Mục sư Bùi Thế Hiền

0 Comments

Sự Cư Xử

4/8/2015

0 Comments

 
Trong giờ cầu nguyện sáng nay, tôi đọc thư Giu-đe. Giu-đe tức là Giu-đa đọc trại đi. Trong Tân Ước, có ba nhân vật chính mang tên này. Các trước giả Kinh Thánh đổi những nhân vật trong Tân Ước có tên là Giu-đa ra Giu-đe vì tên Giu-đa thường bị hiểu lầm với Giu-đa thứ nhất, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, kẻ phản Chúa. Giăng 14:22 nói về Giu-đa thứ hai trong số 12 sứ đồ như sau, “Giu-đe, chớ không phải là Ích-ca-ri-ốt, thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, vì sao Chúa sẽ tỏ mình cho chúng tôi, mà không tỏ mình cho thế gian?” Người thứ ba có tên Giu-đa là con trai của Giô-sép và Ma-ri. Ma-thi-ơ ghi lại lời dân chúng bàn luận với nhau về Chúa Jêsus trong câu 13:55 như sau, “Có phải là con người thợ mộc chăng? Mẹ người có phải là Ma-ri, và anh em người là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, Giu-đe chăng?” Giu-đe con Ma-ri chính là người viết thư Giu-đe.
 
Thư Giu-đe ngắn, chỉ có một đoạn gồm 25 câu. Đọc nhanh trong vài phút là hết. Nhưng nếu ta để thì giờ suy gẫm thì thư Giu-đe chứa đựng nhiều điều dạy dỗ khuyên nhủ các Cơ-đốc nhân. Giu-đe viết trong câu 1, “Giu-đe, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ và em Gia-cơ, đạt cho những kẻ đã được kêu gọi, được Đức Chúa Trời, là Cha, yêu thương, và được Đức Chúa Jêsus Christ giữ gìn.” Qua câu này, Giu-đe bày tỏ rằng các Cơ-đốc nhân là những người được Ba Ngôi Đức Chúa Trời kêu gọi, yêu thương, và giữ gìn.
 
Sáng nay tôi suy tư nhiều về các câu 20-23. Các câu đó như sau, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, về phần anh em, hãy tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của mình, và nhân Đức Thánh Linh mà cầu nguyện, hãy giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời, và trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta cho được sự sống đời đời. Hãy trách phạt những kẻ nầy, là kẻ trù trừ, hãy cứu vớt những kẻ kia, rút họ ra khỏi lửa; còn đối với kẻ khác, hãy có lòng thương lẫn với sợ, ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế.”
 
Khi đọc các câu trên, bạn hiểu những chữ “kẻ nầy,” “kẻ kia,” và “kẻ khác” là những ai? Hiện nay bạn có biết người nào như thế hay không? Nếu có thì nên cư xử với họ ra sao?
 
0 Comments

Chúa Phục Sinh

4/1/2015

0 Comments

 
Picture
Picture
Trong suốt tuần này, hầu hết Cơ-đốc nhân đều trông đợi ngày Chúa Nhật. Đây là ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Tôi chạy xe ngang các nhà thờ thì cứ mười nhà thờ là có đến chín nơi chưng các câu khẩu hiệu như “Chúa đã sống lại” (He is risen) hay “Chúa đang sống” (He lives). Một số ít nhà thờ khác lại chưng cây thập tự. Điều này cho tôi một nhận xét là nhiều người Cơ-đốc gắn bó với việc “được sống với Chúa” hơn là chịu “đóng đinh với Ngài.”

Đi theo Chúa, được sự sống đời đời trong Chúa là một ơn phước lớn lao. Không có gì vui mừng hơn là được vào thiên đàng. Chính vì Chúa Jêsus đã sống lại để làm bằng chứng cho mọi người thấy rằng có sự sống lại, và hy vọng họ sẽ được sống lại với Ngài. Được chứng kiến Chúa đắc thắng sự chết, đắc thắng tội lỗi, đắc thắng ma quỷ, người theo Chúa cũng tin rằng Chúa sẽ cho họ có năng lực để cũng chiến thắng như Chúa. Vì ai nấy đều mong ước được vui mừng, được chiến thắng nên việc hầu hết mọi người chú tâm và ca ngợi sự sống lại của Chúa Jêsus không có gì đáng ngạc nhiên.

Trong khi sự sống lại của Chúa Jêsus cho mọi người có niềm hy vọng là sẽ được sống với Chúa khi Ngài trở lại thế gian, thì sự đóng đinh của Chúa thực sự làm cho loài người được sống. Kinh Thánh nói rằng “Vì mọi người đều đã phạm tội,” và “tiền công của tội lỗi là sự chết,” “nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 3:23; 6:23; 5:8). Đấng Christ vác thập giá Ngài trên con đường thống khổ Via Dolorosa. Và Chúa cũng nói rằng nếu ai muốn làm môn đồ Ngài thì cũng phải mỗi ngày vác thập giá mình mà theo Chúa (Lu-ca 9:23). Chính vì thế những người muốn làm môn đồ Chúa Jêsus thì ít hơn những người chỉ thích sống đời đời với Ngài.


Nếu phải chọn làm một trong hai lớp người nêu trên, bạn sẽ muốn làm lớp người nào? Có gì ngăn cản bạn trở nên môn đồ Chúa Jêsus hay không? Nếu có, xin đến với Chúa và nài xin Ngài cất đi những chướng ngại đó và nhận mình làm môn đồ Ngài.

Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,
Mục sư Bùi Thế Hiền
0 Comments

    Archives

    August 2015
    July 2015
    June 2015
    May 2015
    April 2015
    March 2015
    February 2015
    January 2015
    December 2014
    November 2014
    October 2014
    September 2014
    August 2014
    July 2014
    June 2014
    May 2014
    April 2014
    March 2014
    February 2014

    RSS Feed

Powered by Create your own unique website with customizable templates.