Tất cả chúng ta đều đã từng phạm tội. Kinh Thánh xác nhận như thế. Tuy nhiên, tôi biết thế nào cũng có người không chấp nhận điều này. Có lẽ người ta không chấp nhận sự thật đó vì họ quan niệm tội lỗi khác hơn Kinh Thánh. Ngoài ra, người ta cũng quan niệm khác nhau về sự trừng phạt cho tội lỗi đã làm. Chính vì vậy nhiều người hiểu lầm lòng vị tha của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời biết tất cả loài người đều phạm tội. Đối với chúng ta thì có tội nặng và tội nhẹ, nhưng với Chúa tất cả tội lỗi đều là hụt mất sự vinh hiển của Ngài. Vì thế Chúa đặt căn bản sự tha thứ trên thái độ của chúng ta khi tội lỗi mình được phô bày. Những ai nhận biết tội lỗi mình, ăn năn hối lỗi sẽ được tha thứ. Thái độ ăn năn chân thực thường được biểu lộ ngay lúc tội lỗi được phô bày ra.
Đây là sự khác biệt giữa hai vua đầu tiên của Do-thái: Sau-lơ và Đa-vít. Khi Sau-lơ không nghe lời Chúa mà dâng của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời tại Ghinh-ganh, trước lời buộc tội của tiên tri Sa-mu-ên, Sau-lơ tự bào chữa rằng đã chờ mãi mà không thấy Sa-mu-ên đến trong khi bị người Phi-li-tin tấn công bèn phải “miễn cưỡng dâng của lễ thiêu” (1 Sa-mu-ên 12b). Sau này, khi Chúa bảo Sau-lơ phải tuyệt diệt người và vật của dân A-ma-léc, Sau-lơ cũng không vâng lời vừa tha vua A-ma-léc vừa giữ lại cho mình nhiều súc vật . Khi bị Sa-mu-ên chất vấn thì Sau-lơ chối rằng vua giữ lại để làm của lễ dâng lên cho Chúa. Trong khi đó, khi tiên tri Na-than chất vấn vua Đa-vít về tội tà dâm với Bết-sê-ba và giết chồng bà là U-ri thì “Đa-vít bèn nói cùng Na-than rằng: Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va” (2 Sa-mu-ên 12:13).
Chính vì lòng miễn cưỡng của Sau-lơ mà Đức Chúa Trời biết ông không thực sự hết lòng với Chúa. Ngược lại dù tội lỗi Đa-vít nặng nề theo quan niệm của chúng ta, vua vẫn được Đức Chúa Trời thương yêu mà tha thứ. Đa số chúng ta, những người tin tưởng rằng có tội thì phải bị trừng phạt, cũng được Chúa an ủi, vì dù được tha thứ trước mặt Chúa, Đa-vít vẫn phải chịu đựng những hậu quả nặng nề trên đời sống thế gian của ông.
Không biết bạn có nhận mình đã từng phạm tội cùng Chúa, và cần phải xin Ngài tha thứ những vấp phạm của mình hay không? Hay bạn có những “lý do chính đáng” cho việc mình làm? Xin hãy trông cậy vào lời hứa của Chúa trong 1 Giăng 1:9 như sau: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.”
Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn,
Mục sư Bùi Thế Hiền